Để phục vụ nhu cầu học tiếng Nhật, gần đây mình đã bắt đầu dấn thân tìm đọc manga bằng tiếng Nhật. Ban đầu, việc quản lý các tập truyện manga mất nhiều thời gian vì mỗi tập truyện gồm cả trăm file jpg. Việc đọc từng file jpg rõ ràng không hiệu quả.
Chỉ sau khi tìm ra Komga, việc quản lý truyện và đọc truyện manga của mình đã trở nên dễ dàng và thú vị hơn hẳn. Mình còn có thể thiết lập thêm tài khoản cho vợ và bạn bè để cùng vô komga server để đọc truyện.
Dưới đây là giới thiệu và hướng dẫn cách cài đặt và sử dụng Komga để quản lý truyện tranh manga / comic.
Mục Lục
1. Komga là gì?
Komga là một ứng dụng mã nguồn mở miễn phí dùng để quản lý truyện tranh manga / comic. Ngoài ra, chúng ta còn có thể dùng Komga để quản lý các file pdf khác như tạp chí, e-books,…
Nếu bạn đã quen dùng Plex để quản lý phim ảnh thì Komga chính là công cụ tương tự để quản lý sách truyện.
Tính năng chính
- Truy cập thư viện truyện tranh, sách ảnh, tạp chí thông qua giao diện web ui trực quan.
- Sắp xếp thư viện theo từng bộ sưu tập hoặc danh sách đọc.
- Chỉnh sửa dữ liệu cho bộ sưu tập và từng tập sách / truyện.
- Tự động nhập dữ liệu được nhúng bên trong file.
- Tích hợp sẵn ứng dụng đọc trên nền tảng web.
- Quản lý người dùng, kiểm soát truy cập theo từng thư viện, giới hạn độ tuổi và giới hạn nhãn.
- Hỗ trợ API REST, tương thích với nhiều ứng dụng bên ngoài.
- Tải xuống toàn bộ thư viện hoặc danh sách đã đọc.
- Phát hiện tập tin trùng lặp.
- Phát hiện và loại bỏ các trang trùng lặp
- Nhập sách từ bên ngoài thư viện của bạn trực tiếp vào bộ sưu tập.
- Nhập danh sách đọc ComicRack
cbl
2. Cài đặt Komga
Cài đặt bằng Docker Compose cực kỳ đơn giản với file docker-compose.yml
như sau
version: '3.3'
services:
komga:
image: gotson/komga
container_name: komga
volumes:
- ./conf:/config
- ./files:/data
ports:
- 25600:25600
restart: unless-stopped
Code language: YAML (yaml)
Bạn cần thay đổi ./files
thành đường dẫn tương ứng nơi lưu bộ sưu tập truyện tranh / sách ebook trên máy chủ.
Sau đó kích hoạt bằng lệnh docker compose up -d
hoặc docker-compose up -d
Chờ vài phút để hệ thống khởi động komga, sau đó truy cập vào server: http://<IP-Address>:25600
. Nhập vào email và password, nhấn vào Create user account để tạo tài khoản admin cho Komga.
Nếu muốn truy cập vào Komga bằng tên miền, bạn cần tạo reverse proxy theo hướng dẫn bên dưới
3. Tạo thư viện trong Komga
Sau khi đăng nhập thành công, bấm vào nút Add Library để tạo thư viện mới.
Komga sẽ tự động scan thư mục chỉ định và thêm vào thư viện các truyện tranh đang chứa trong đó.
Lưu ý: đối với manga, bạn cần giữ nguyên file zip hoặc cbr. Đừng giải nén thành từng thư mục. Komga sẽ đọc được file zip / cbr.
Dưới đây là thư viện truyện tranh của mình đã được thiết lập trên Komga
Bấm vào từng thư viện để xem chi tiết các sách truyện đang có bên trong
4. Đọc truyện lưu trên Komga
Mình có thể đọc truyện trực tiếp thông qua Komga bằng cách bấm vào truyện. Komga sẽ hiện ra trình đọc truyện ngay trên trình duyệt.
Bấm nút mũi tên trái / phải để xem tiếp hoặc quay lại trang trước.
Tuy nhiên, thông thường mình đọc truyện lưu trên Komga thông qua ứng dụng Klutter trên iPhone / iPad.
Komga sẽ luôn ghi nhớ lịch sử đã đọc dối với từng cuốn truyện. Nhờ vậy mình có thể chuyển qua lại giữa iPhone / iPad / PC để đọc truyện một cách liền mạch, không cần phải mò lại mình đã đọc đến đâu rồi.
Tóm lại, Komga rất tuyệt! Xài thích mê!
Bài viết đến đây là hết!
Mình cài rclone và mount google drive với vps rồi nhưng trong Komga không load được cái folder đã mount, bạn có thể lên bài chi tiết kết nối với Gdrive cho Komga không ?
Mình add cái Komga server vào Klutter nó toàn báo failed. Bạn có thể hướng dẫn add Komga server vào Klutter thế nào không. Cám ơn bạn rất nhiều
Mình điền Server address, username, password như bình thường, không làm gì đặc biệt cả. Mình truy cập Komga thông qua tên miền đã dược proxy bằng Nginx Proxy Manager, không truy cập thông qua IP address
Anh ơi port 8080 của Komga bị trùng với port của adguardhome thì phải làm như thế nào ạ? Mong anh giải đáp!
Em cần thay đổi phần port ở bên trái mục khai báo port thành port khác là được. Ví dụ đổi
8080:8080
thành2222:8080
. Lúc này sẽ truy cập Komga bằng port 2222. Tuy nhiên, hiện tại Komga đã thay đổi port mặc định thành 25600 rồi nhé. Anh đã cập nhật lại bài viết.Anh ơi không hiểu sao em cop truyện vào mà komga không duyệt tìm thấy file ạ, không biết có yêu cầu phải copy vào thư mục nào cụ thể k ạ?
Có hướng ở trên đó em ơi: phần cấu hình docker-compose.yml. “Bạn cần thay đổi ./files thành đường dẫn tương ứng nơi lưu bộ sưu tập truyện tranh / sách ebook trên máy chủ.”