Sau hơn 2 tuần mò mẫm, nghiên cứu, mua sắm và lắp ráp, mình đã hoàn thiện xong dàn máy tính PC – Intel Core đời 11 (Rocket Lake) mới phục vụ cho công việc và chơi game. Ban đầu cứ nghĩ việc xây dựng PC sẽ diễn ra nhanh gọn, chỉ cần 2-3 ngày là xong hết. Ai ngờ đâu nó phức tạp ngoài dự kiến của mình khiến toàn bộ quá trình kéo dài lên đến hơn 2 tuần.
Dàn máy này chỉ mới là bộ PC thứ ba mình tự lắp ráp sử dụng trong vòng 10 năm qua. So với các chuyên gia trong VoZ, mình chỉ là dân gà trong lĩnh vực phần cứng máy tính. Bởi vậy phải mất quá nhiều thời gian bơi trong một biển các bài review / đánh giá sản phẩm để chọn ra các linh kiện phù hợp nhất cho nhu cầu sử dụng.
Bài viết này mình sẽ tổng kết lại những kinh nghiệm mình đã chọn lọc được trong quá trình lắp ráp máy tính mới. Hy vọng thông tin trong bài sẽ hữu ích cho bạn nào đó đang muốn tự mình xây dựng một dàn máy PC tương tự.
Mục Lục
I. Kinh nghiệm ráp máy PC
Như đã chia sẻ ở trên, kinh nghiệm ráp máy tính cá nhân của mình chỉ giới hạn trong 2 lần duy nhất: 1 lần năm 2011 và 1 lần hồi đầu năm 2020.
1. 2011: Sandy Bridge i5-2500K
Dàn máy đầu tiên trong đời của mình là combo Sandy Bridge: Core i5-2500K và Mainboard Asrock Z68, ráp năm 2011. Lúc đó còn ham Overclock nên đua đòi mua CPU dòng K, main dòng Z, RAM Corsair xịn…
Mình sử dụng dàn máy này đến năm 2014 thì tiễn bạn lên đường.
Bye bye PC, mình chuyển qua chơi với Mac:
- 2014: mua Macbook Air (sau đó đưa cho vợ dùng)
- 2016 mua Macbook Pro Retina 2015 (vẫn còn dùng đến giờ).
2. 2020: Coffee Lake i3-9100f
Sau 6 năm chia tay, mình quay trở lại đoàn tụ với PC vào đầu năm 2020. Mục đích khi đó nhằm để xây dựng dàn máy mới đặt trong phòng tập, phục vụ cho việc đạp xe trong nhà với Zwift. Mình đã chia sẻ chi tiết về quá trình bên blog Yêu Chạy Bộ:
Cấu hình máy như sau:
- CPU: Intel Core i3 – 9100f
- CPU Cooler: Cooler Master T400i
- RAM: Corsair Vengeance LPX Bus 2666 16GB (8GB x 2)
- Mainboard: Asrock H310CM-DVS
- Card màn hình: Colorful GTX 1660 Super 6G
- Màn hình: LG 24MP59G-P 24″ IPS
- Ổ cứng SSD: Samsung EVO 860 EVO 500GB
- Thùng máy: Xigmatek Gemini
- Nguồn: Cooler Master MWE 500 BRONZE
Việc lựa chọn cấu hình khi đó không mất quá nhiều thời gian do mình chỉ có duy nhất 1 mục đích: chạy Zwift ở chế độ Ultra 4K.
- Chọn ngay VGA NVIDIA GTX 1660 Super mới ra mắt với giá cực tốt.
- CPU + Main: chọn mua combo quốc dân i3 – 9100f và main H310 vào thời điểm đó.
- Các linh kiện còn lại mình chọn ở mức tầm trung để đảm bảo chất lượng sử dụng lâu dài.
Cứ tưởng mình sẽ đồng hành cùng em này ít nhất trong 3-4 năm. Ai ngờ đâu chưa đầy 2 năm sau mình đã tiễn em về nhà mới và thay thế bằng em mới trẻ đẹp, ngon lành hơn.
II. Tại sao muốn mua máy mới?
Thật ra thì dàn máy i3-9100f hiện tại của mình vẫn đang hoạt động cực ổn cho mục đích ban đầu: chơi Zwift. Mình còn có thể chơi thêm một số games như Age of Empires 2: Definition Edition, CS:Go,… ngon lành cành đào. Máy được trang bị card màn hình NVIDIA GTX 1660 Super cũng đâu phải loại bèo.
Tuy nhiên, máy đã gặp một số hạn chế nhất định khi mình sử dụng cho việc nghiên cứu ảo hoá hay lúc edit video:
- CPU i3 có vẻ hụt hơi mỗi khi phải chỉnh sửa các video 4K quay bằng iPhone 12.
- SSD chuẩn SATA tốc độ đọc bị giới hạn ~500MB/s khiến việc load video vào ứng dụng edit rất mất thời gian.
- RAM 16GB luôn trong tình trạng thiếu hụt mỗi khi mình muốn chạy song song 4-5 máy ảo Hyper-V. Giờ muốn nâng RAM không được do mainboard cùi bắp chỉ có 2 khe cắm RAM.
Tuy nhiên động cơ chính khiến mình muốn mua máy mới thật ra là chỉ là muốn trải nghiệm công nghệ mới. Dân chơi công nghệ có lẽ ai cũng thế nhỉ! Dân mê PC nâng cấp phần cứng cũng như fanboy Apple nâng cấp iPhone mỗi năm, mặc dù máy cũ vẫn đang dùng ngon chán.
III. Cấu hình cho máy mới
Để việc chọn mua linh kiện hợp lý và chuẩn xác nhất, mình cần xác định những yêu cầu tối thiểu cho dàn máy mới:
- CPU mạnh mẽ nhưng vừa tầm tiền, đủ để phục vụ chơi game / edit video / chạy máy ảo ít nhất trong 2-3 năm kế tiếp.
- Mainboard trang bị khe cắm NVMe M2, Gen 3 hoặc Gen 4 càng tốt.
- Mainboard trang bị USB 3.2 Gen 2 (Type C).
- Case đẹp thông thoáng, có cổng cắm USB Type-C ở panel trước.
- Nếu được thì trang bị sẵn Wifi 6 AX, mai mốt lỡ cần khỏi cần mua thêm Card PCI.
Trong tình hình bão giá GPU hiện tại, thật may mắn là mình đã có sẵn NVIDIA 1660 Super mua hồi đầu năm 2020 với giá siêu hời. Nó đã và đang phục vụ mình hoàn hảo nên không cần thay đổi GPU làm gì.
Do đó, mình giữ lại card màn hình hiện tại, và bán lại toàn bộ thùng máy cho đứa bạn. Nó mua thêm NVIDIA 1050Ti là đã có thể chơi game online ngon lành.
Giờ lo đi chọn linh kiện để ráp máy thôi.
IV. CPU – Bộ vi xử lý
Bắt đầu quy trình lựa chọn linh kiện PC với thành phần quan trọng nhất: CPU – bộ vi xử lý máy tính.
Trước giờ mình chỉ dùng Intel, chưa dùng AMD bao giờ nên lần này vẫn tiếp tục theo đội xanh. Ngoài ra còn có thêm 1 lý do chọn Intel là vì mình có thể tận dụng tính năng Quick Sync trang bị trên iGPU tích hợp để dùng encode / decode video.
1. Core i3 hay i5 hay i7?
Mình chọn Core i5 để cân bằng giữa sức mạnh và chi phí. Core i5 đời 10 trở lên đã được trang bị 6 nhân, 12 luồng, ngon lành cho chơi game lẫn chạy máo ảo.
2. Gen 10 hay Gen 11 hay Gen 12?
Ở thời điểm hiện tại (tháng 11/2021), Intel vừa mới ra mắt CPU Core đời 12 nhưng giá CPU / Mainboard / RAM đều đang ở trên trời. Không mua chi cho phí tiền. Giờ chỉ lựa chọn giữa Core i5 đời 10 hoặc 11, chính xác hơn là lựa chọn giữa i5-10400 vs i5-11400 – 2 em i5 rẻ nhất của hai đời.
So sánh thông số giữa 2 em
i5-10400 | i5-11400 | |
---|---|---|
Architecture | Comet Lake | Rocket Lake |
Memory | DDR4-2666 | DDR4-3200 |
PCI Express Revision | 3.0 | 4.0 |
GPU | Intel UHD Graphics 630 | Intel UHD Graphics 730 |
Giá | 5.190.000 | 5.690.000 |
So với đời cũ Gen 10, Core i5 Gen 11 sử dụng kiến trúc vi xử lý mới, kiến trúc đồ hoạ mới, hỗ trợ RAM Bus đến 3200Mhz và quan trọng nhất: hỗ trợ PCI Gen 4.0 (dùng cho các SSD NVMe PCI Gen 4.0 cực nhanh). Giá mắc hơn chỉ 500.000đ là xứng đáng. Thẳng tiến chọn i5 đời 11.
3. CPU dòng f hay non-f?
Mình không có nhu cầu Overclock nên không quan tâm đến CPU dòng K. Giờ chỉ cần cân nhắc giữa i5-11400f (CPU không được trang bị iGPU tích hợp) và i5-11400 (tích hợp iGPU).
i5-11400 giá mắc hơn i5-11400f khoảng 200-300k tuỳ nơi bán. Mình chọn mua luôn i5-11400 có tích hợp sẵn iGPU luôn cho yên tâm. Lỡ GPU NVIDIA lăn ra chết còn có iGPU để chữa cháy tạm thời, không phải lo tìm card màn hình rời.
Quyết định cuối cùng: chọn mua CPU Intel i5-11400.
Mình tìm mua được CPU 2nd với giá 5.000.000, hàng fullbox bảo hành chính hãng 35 tháng.
V. Mainboard – Bo mạch chủ
Chọn xong CPU, giờ qua tiếp chọn Mainboard (Bo mạch chủ).
Để có thể phát huy tối đa hiệu năng của CPU i5-11400, mình cần chọn mainboard sử dụng chipset B560 hoặc Z590. Khác biệt quan trọng nhất giữa 2 em này là Z590 hỗ trợ ép xung (overclock) CPU (khi dùng CPU dòng K), còn B560 không hỗ trợ.
Mình không có nhu cầu overclock và cũng chỉ dùng dòng i5-11400, nên không cần đến Z590. Giờ chỉ cần lựa chọn giữa 1 rừng mainboard B560 của các hãng MSI, Gigabyte, ASUS và Asrock.
CPU i5-11400 có tính năng Unlock Power Limit để hoạt động ở xung nhịp cao, mang đến hiệu năng tốt hơn hơn cho các tác vụ nặng như Render / Gaming. Tuy nhiên, để hệ thống hoạt động ổn định trong thời gian ở xung nhịp cao, cần phải trang bị Mainboard B560 có dàn VRM (Voltage Regulator Module) xịn để bảo đảm không bị quá nhiệt, kẻo sẽ bị tụt xung, ảnh hưởng đến hiệu năng.
Để lựa chọn mainboard B560, mình tham khảo danh sách này: Intel Z590/B560 Tier List. Trong đó có cột Grade đánh giá chất lượng của mainboard dựa trên thông số dàn tụ và tản nhiệt sử dụng. Cứ chọn cái nào được đánh giá A hay A+ là yên tâm sử dụng.
Theo đánh giá của Techsport: The Best Intel B560 Motherboards: VRM Tested | TechSpot, hai mainboard đáng tiền nhất của dòng B560 là:
- Gigabyte B560M Aorus Pro (Grade A+)
- Asus TUF Gaming B560M-Plus WiFi (Grade A)
Hai em này có giá tầm khoảng 3.500.000, và đều có cổng USB 3.2 Gen 2 Type-C ở mặt sau đúng với nhu cầu của mình. Ngoài ra còn có các em main B560 dòng ROG STRIX của Asus đều là hàng đỉnh nhưng giá toàn từ 4tr5 trở lên, không đáng để chọn.
Tuy nhiên đến lúc mình tìm mua B560M Aorus Pro hay TUF Gaming B560M Plus Wifi thì các cửa hàng đều báo hết. Từ GearVN qua THNS, qua Tandoanh đều như nhau: website chỉ ghi có hàng tượng trưng, alo đặt mua thì nhân viên báo hết hàng.
Trong lúc loay hoay tìm phương án thay thế, mình tìm ra em Asus ROG STRIX B560-G GAMING WIFI có sẵn hàng ở Tandoanh với giá đẹp 3.590.000 (các cửa hàng khác đều bán giá từ 3.800.000 trở lên). Em này được trang bị đủ mọi tính năng cao cấp mình cần:
- Dàn VRM xịn được đánh giá Grade A trong B560 Tier List.
- LAN Intel® 2.5Gb
- Intel® Wi-Fi 6
- Trang bị cổng cắm USB 3.2 Gen 2 USB Type-C® ở mặt sau
- Trang bị header USB 3.2 Gen 2 connector để kết nối với cổng USB Type-C trên Front Panel của Case.
Thế là chốt hạ xong Mainboard: Asus ROG STRIX B560-G Gaming Wifi, giá 3.590.000.
VI. RAM – Bộ nhớ
Mình chọn RAM (Bộ nhớ trong) nhanh gọn lẹ hơn hẳn so với chọn CPU hay Mainboard. Mình không thích màu mè RGB nên chỉ muốn chọn RAM có thiết kế tản nhiệt đơn giản, vừa rẻ vừa gọn, không sợ bị cấn tản nhiệt CPU.
CPU i5-11400 hỗ trợ DDR4-3200 nên mình sẽ tìm mua các thanh RAM hỗ trợ Bus 3200 với chế độ XMP 2.0. Mình muốn lắp 32GB RAM để thoải mái chạy máy ảo nếu cần. Mình cân nhắc giữa việc chọn 2 thanh 16GB hay 4 thanh 8GB.
Cuối cùng mình chốt mua 4 thanh RAM DDR4 TeamGroup 8G/3200 T-Force Vulcan Z Gaming của THNS bán trên Shopee với giá: 719.000/em. Tổng cộng: 2.876.000.
Xin tạm dừng [Phần 1] tại đây và hẹn gặp lại trong bài viết [Phần 2] Chọn mua CPU Cooler + Nguồn PSU + Case + Ổ cứng SSD
Bài viết liên quan
Nếu bạn cần hỗ trợ kỹ thuật miễn phí, vui lòng gửi câu hỏi trực tiếp ở phần Thảo luận bên dưới, mình sẽ trả lời trong thời gian sớm nhất.
Bạn cần hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu?
Khám phá các gói dịch vụ giúp bạn tối ưu công việc và vận hành hệ thống hiệu quả hơn. Từ chăm sóc website đến hỗ trợ kỹ thuật, mọi thứ đều linh hoạt và phù hợp với nhu cầu của bạn.