Trong suốt thời gian sử dụng máy tính trước đây, mình chỉ biết đến 2 loại kích thước bàn phím: loại bự 104 / 108 nút trên các bàn phím rời và loại nhỏ mini tích hợp trên laptop. Đến khi lạc vào thế giới phím cơ, mình mới biết thêm nhiều loại kích thước bàn phím khác: TKL, 75%, 65%, 60%, 40%,…

Hôm nay rãnh rỗi ngồi tìm hiểu thêm về các loại kích thước bàn phím cơ hiện có trên thị trường nên viết bài này chia sẻ cùng mọi người. Hy vọng nó sẽ giúp bạn tìm được loại bàn phím phù hợp nhất cho mình.

Phân loại kích thước bàn phím

Kích thước bàn phím sẽ ảnh hưởng đến tính hiệu quả trong công việc, diện tích bàn làm việc và tính năng của bàn phím. Có 3 loại kích thước bàn phím phố biến trong thế giới phím cơ:

  • Tiêu chuẩn: có dãy phím mũi tên và dãy phím số numpad
  • Tenkeyless (TKL): có dãy phím điều hướng nhưng không có dãy numpad
  • Compact: không có dãy phím điều hướng, không có dãy numpad

Ngoài ra chúng ta còn có khá nhiều các loại kích thước bàn phím khác được các hãng hay các tay chơi DIY sáng tạo nên: 75%, 65%, 60%, 40%,…

Cùng tìm hiểu về kích thước bàn phím cơ bên dưới:

Full-size (100%)

Full size (100%) là kích thước bàn phím thông dụng nhất trên thế giới. Gần như bất kỳ ai đã từng sử dụng máy tính đều sử dụng qua bàn phím Full size.

Bàn phím Realforce R2 Full size

Tùy theo layout bàn phím ANSI (Mỹ), ISO (Châu Âu) hay JIS (Nhật) mà bàn phím full size sẽ có 104, 105 hay 108 phím. Bàn phím full size sẽ gồm có dãy chữ số Alphanumberics bên trái, là phần mũi tên điều hướng ở giữa, phần phím số Numpad bên trái và phía trên cùng có dãy phím F (F1 – F12).

Bàn phím Full-size là sự lựa chọn của những người cần thường xuyên nhập số liệu cần dãy phím numpad hay những người thích có càng nhiều phím càng tốt, hạn chế sử dụng các tổ hợp phím.

Gần như tất cả hãng xuất bàn phím cơ đều có phiên bản Full-size. Một số cái tên phổ biến:

1800-Compact

1800-Compact là phiên bản rút gọn của kích thước Full-size. Bàn phím vẫn có đầy đủ cụm phím điều hướng và dãy numpad nhưng được rút sát vào nhau: phím mũi tên chèn ngay dưới nút Enter và nút Numpad ép sát vào cụm phím mũi tên.

Leopold FC980M PD.

Kết quả tạo nên một bàn phím có vẻ ngoài độc đáo, đủ phím như bàn phím Full-size nhưng chiếm ít diện tích hơn. Mẫu bàn phím 1800-Compact phổ biến nhất là Leopold FC980M PD.

96%

Bàn phím 96% là phiên bản rút gọn của 1800-Compact bằng cách loại bỏ hoàn toàn khoảng cách giữa dãy phím chữ số alphanumerics và numpad. Nhờ đó tạo ra bàn phím với kích thước nhỏ gọn nhất nhưng vẫn đầy đủ các nút chức năng quan trọng như trên bàn phím Full-size

Bàn phím Keychron K4

Bàn phím 96% khá hiếm trên thị trường, đa phần chỉ có trên các phiên bản custom. Keychron K4 là phiên bản bàn phím stock duy nhất trên thị trường bạn có thể tìm mua dễ dàng.

Tenkeyless (TKL, 87%, 80%)

Bàn phím Tenkeyless (viết tắt: TKL) đơn giản là bàn phím Full-size được loại bỏ đi phần dãy nút Numpad bên phải, mang lại kích thước nhỏ gọn hơn với 87 / 88 phím, kích thước bằng khoảng 80% so với bàn phím Full-size. Do đó bàn phím TKL còn có tên gọi khác là 87% hay 80%.

Filco Kobo Studio Akakinsunako 10

Bàn phím TKL được ưa chuộng bởi dễ sử dụng, vị trí các phím y hệt bàn phím Full-size. Bạn chỉ cần làm quen với việc không còn dãy Numpad bên phải. Đổi lại, bạn có được bàn phím gọn gàng hơn, có nhiều không gian cho chuột hơn, giúp cải thiện tư thế làm việc / chơi game trở nên công thái học hơn.

Các mẫu phím TKL phổ biến:

75% (84 Key)

75% là phiên bản lai giữa TKL và 60% (xêm bên dưới) với thiết kế bàn phím nhỏ gọn được trang bị nhóm phím mũi tên cùng hàng nút F trên cùng. Bề ngang của bàn phím loại này bằng khoảng 70 – 75% so với bàn phím Full-size, do đó thường được gọi là bàn phím 75%. Bàn phím có 84 phím nên đôi khi còn được gọi là bàn phím 84.

Bàn phím Keychron K2 (75%)

Bàn phím 75% phổ biến nhờ vẫn giữ được dãy phím mũi tên nhưng được rút gọn kích thước ngang so với bàn phím TKL nhờ việc thay đổi vị trí phím mũi tên và các phím chức năng Insert, Delete, Home,… Tuy nhiên hạn chế của bàn phím 75% là kích thước các phím không theo tiêu chuẩn chung khiến việc tìm keycap thay thế khó khăn hơn so với bàn phím TKL hay Full-size.

Các bàn phím 75% phố biến:

60%

60% là phiên bản bàn phím phổ biến thứ ba sau full-size và TKL. Bàn phím 60% loại bỏ luôn cả nhóm phím điều hướng trên TKL, và dãy nút F trên cùng, chỉ còn giữ lại nhóm phím chữ số Alphanumberics.

Anne Pro 2

Các phím bị lược bỏ sẽ được truy cập thông qua 1 hoặc 2 phím chức năng Fn, thường được bố trí ở hàng dưới cùng bên góc phải bàn phím. Dãy phím chức năng F1 – F12 được truy cập bằng cách nhấn tổ hợp phím Fn và các dãy phím số (1, 2, … – .=), còn các nút mũi tên được truy cập bằng tổ hợp Fn + WASD.

Ưu điểm của bàn phím 60% là kích thước nhỏ gọn tối ưu, có thể đáp ứng gần như mọi nhu cầu gõ văn bản / chơi game. Tuy nhiên bạn cần phải làm quen với việc thiếu dãy phím F và các phím mũi tên điều hướng.

Các mẫu bàn phím 60% phổ biến:

  • Votex Pok3r
  • Anne Pro 2
  • Ducky One 2 Mini

65%

Bàn phím 65% là phiên bản mở rộng của bàn phím 60% được trang bị dãy nút mũi tên vật lý, giúp bạn có thể truy cập trực tiếp không phải thông qua kết hợp phím Fn. Bàn phím 65% thường có 66-68 phím tùy hãng sản xuất.

Leopold FC660M PD Sweden White

Bàn phím 65% được ưa chuộng bởi những người không thể sống thiếu dãy nút mũi tên điều hướng. Nhờ kích thước nhỏ gọn chỉ lớn hơn 60% một ít nên bàn phím 65% ngày càng được cộng đồng ưa chuộng.

Các mẫu bàn phím 65% phổ biến:

40%

Bàn phím 40% loại bỏ luôn cả hàng phím số, chỉ giữ loại các phím chữ và modifier (Ctrl, Alt, Shift,…) Do kích thước quá nhỏ và có quá ít phím, bàn phím 40% thường sẽ có nhiều layer (tầng phím) được kích hoạt thông qua các phím Fn để giúp người dùng truy cập các phiếu bị thiếu.

Bàn phím Vortex Core. Ảnh: keyboardcatalog.com

Mặc dù có ưu điểm nhỏ gọn tuyệt đối nhưng bàn phím 40% rất kén người dùng. Nó cũng không được sản xuất bởi các hãng lớn, chỉ duy nhất Vortex có phiên bản Vortex Core 40%. Nếu muốn sở hữu bàn phím 40%, bạn phải đi theo con đường Custom và chi phí sẽ không nhỏ tí nào.

Tenkey (number pad)

Bàn phím số Tenkey thường có 21 phím là sự bổ sung cần thiết cho các bàn phím dạng nhỏ gọn (TKL, 65%, 60%) khi cần sử dụng thường xuyên các phím số cho việc nhập số liệu.

Leopold FC210TP PD

Ưu điểm của việc trang bị bàn phím Tenkey rời là bạn có thể bố trí nó nằm bên tay trái của bàn phím chính, giúp không gian cho chuột không bị ảnh hưởng.


Chọn kích thước bàn phím cơ

Khi chọn mua bàn phím cơ, bạn cần xác định rõ mục đích sử dụng của mình để chọn ra kích thước phù hợp.

  • Nếu thường xuyên sử dụng Excel hoặc cần nhập số liệu, bạn phải chọn Full-size, 1800-Compact hoặc 96%.
  • Nếu bạn thường xuyên sử dụng các nút mũi tên, hãy chọn 65% hoặc 75%, TKL.
  • Nếu bạn là dân lập trình cần các nút F1 – F12, hãy tránh xa 60% và 65%.
  • Nếu cần tối ưu nhỏ gọn, bàn phím 60% là lựa chọn hoàn hảo.

Bạn nên chọn bàn phím layout ANSI để dễ dàng thay Keycap sau này. Layout ISO thường phải cần mua thêm các Kit bổ sung, sẽ khiến tăng thêm chi phí.

Chúc bạn tìm được phím cơ ưng ý!

Tham khảo: Keyboadco, Deskthority

Lưu ý: Nếu bạn cần hỗ trợ kỹ thuật, vui lòng gửi câu hỏi trực tiếp ở phần Thảo luận bên dưới, mình sẽ trả lời sớm. Đừng vào hỏi trong fanpage Yêu Chạy Bộ, sẽ không có phản hồi đâu!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


2 Comments