Mình biết đến khái niệm bàn phím cơ (mechanical keyboard) từ diễn đàn VoZ cách đây gần chục năm. Lúc đó, dạo qua topic VoZ Mechanical Keyboard Club, mình chỉ nhận thấy “sự điên rồ” khi “dân chơi” có thể chi vài triệu đồng cho 1 cái bàn phím!!! Trong khi đó chỉ cần 200k – 300k có sắm 1 combo chuột & bàn phím Logitech không dây ngon lành.

Tại sao phải tốn tiền mua bàn phím cơ làm gì? Lấy tiền nâng cấp CPU / VGA / RAM không phải hợp lý hơn sao?

Khái niệm bàn phím cơ bị đá văng ra khỏi đầu ngay lập tức. Khùng mới đi mua bàn phím cơ mấy triệu về xài!

multicolored computer keyboard
Bàn phím Poker II. Photo by Paul Esch-Laurent on Unsplash

Trớ trêu thay, bây giờ mình lại trở thành một trong những thằng khùng đó!

Những tưởng sau thời gian dài bỏ PC (dàn máy cuối cùng mình sở hữu là i5-2500K) theo Mac (Macbook Pro Retina 2015), mình sẽ không bao giờ quay lại con đường ăn chơi PC Gear nữa. Hồi xưa lúc còn sinh viên thèm nhưng không có tiền, giờ có tiền nhưng không có thời gian để chơi!

Tất cả bắt đầu từ khi mình lên kế hoạch sắm dàn máy PC để chạy Zwift (ứng dụng 3D dành cho đạp xe trong nhà) ở cấu hình cao nhất 4K Ultra. Mục đích nhằm phục vụ cho nhu cầu tập luyện thi đấu IRONMAN 70.3.

Trong khi nghiên cứu về linh kiện PC trên VoZ (phải vô đây để phổ cập lại kiến thức), mình vô tình quay lại chủ đề VoZ Mechanical Club năm xưa và tự nhiên cảm thấy hứng thú:

Nhân cơ hội sắm dàn PC mới, hay mình nên sắm luôn 1 con phím cơ để trải nghiệm thử! Để xem nó có gì hay ho mà dân chơi đam mê quá!

Một phút nông nỗi và đã phải trả giá…

Thử và nghiện luôn!

Ban đầu mình chỉ dự định sắm 1 em phím cơ gắn chung với dàn PC mới để dưới hầm. Dự tính sẽ trưng dụng PC mới để làm việc, viết blog luôn nên muốn dùng thử bàn phím cơ để xem nó có giúp nâng cao trải nghiệm không.

1. Phím cơ đầu đời – iKBC CD87 (TKL)

Con phím cơ đầu đời của mình là iKBC CD87 dùng Brown Switch (giá 1.650.000) – mua ngày 12/02/2020 ở Thế Giới Gear. Sau khi tham khảo nghiên cứu, con này là một trong những lựa chọn tốt nhất ở tầm giá dưới 2 triệu. Mình tự nhủ rằng sẽ chọn 1 con màu đen, không cần Led RGB màu mè.

Ban đầu có hơi phân vân giữa CD87 (thiết kế TKL – Tenkeyles: không có cụm phím số Numpad) và CD108 (thiết kế Full-size truyền thống), chỉ chênh lệch nhau 100.000. Cuối cùng mình chọn CD87 vì thích sự gọn gàng của nó.

Bàn phím iKBC CD87 của mình

Chỉ sau 1 ngày làm quen, mình đã bị chinh phục hoàn toàn bởi trải nghiệm hoàn toàn khác biệt so với việc gõ bằng bàn phím trên Macbook Pro. Bàn phím được làm chắc chắn nặng đến 1kg, mỗi cú gõ phím đều mang lại cảm giác sướng khó tả.

Tại sao mình lại đợi đến giờ mới mua phím cơ?

2. Phím cơ thứ hai – Keychron K2 (75%)

Con phím thứ hai được mình sắm về ngay sau đó 1 ngày, mục đích nhằm để sử dụng với Macbook Pro. Yêu cầu nhỏ gọn, kết nối Bluetooth để khỏi cắm dây phiền phức.

Mình chọn mua Keychron K2 sau khi tham khảo nhiều review (khen có, chê có), cảm thấy nó là sự lựa chọn tốt nhất để dùng với Mac hiện tại. Lần này mình đổi qua chọn Gateron Red Switch để trải nghiệm, vừa xem có khác biệt gì với Brown Switch không, vừa để đỡ ồn (bị vợ la con bàn phím mới mua kêu ồn ào quá!)

Bàn phím Keychron K2

Keychrone K2 phiên bản LED trắng hấp dẫn lôi cuốn hơn hẳn con iKBC đen thui cục mịch. Trải nghiệm gõ Red đỡ ồn hơn Brown một tí, nhưng thật ra vẫn ồn ào do tiếng keycap dập xuống nền bàn phím khi gõ.

3. Phím cơ thứ 3 – Anne Pro 2 (60%)

Tưởng chừng đã yên vị với iKBC CD87 Cherry Brown và Keychron K2 Gateron Red thì lại gặp biến cố. Đứa em rể ghé nhà chơi thấy Keychron K2 thích quá, muốn mình nhượng lại. OK!

Hành trình tìm kiếm sự lựa chọn mới bắt đầu. Mình bắt đầu tìm hiểu qua bàn phím layout 60% và kết ngay em Anne Pro 2. Với ưu điểm nhỏ gọn của layout 60% cộng thêm dàn LED RGB sặc sỡ và thêm Bluetooth 4.0 tương tự như Keychron K2, Anne Pro 2 trở thành sự thay thế xứng đáng cho Keychron K2.

Bàn phím Anne Pro 2

Ban đầu tính đặt mua bản Kailh Box Black switch nhưng do hết hàng chưa biết bao giờ về hàng lại (vì dịch cúm) nên mình đổi qua mua bản Gateron Red switch, giống như switch trên con Keychron K2 trước đó.

Anne Pro 2 nhỏ gọn hơn Keychron K2 rất nhiều do sử dụng layout 60%. Dàn nút mũi tên được kết hợp chung với các phím RShift, FN1, FN2, Ctrl qua chức năng Tap khá tiện lợi. Đèn đóm RGB cũng hấp dẫn hơn hẳn.

Trải nghiệm gõ mình cảm thấy chắc chắn và đầm tay hơn. Có lẽ nhờ keycap của Anne Pro 2 là PBT thay vì ABS như trên Keychron K2.

4. Phím cơ kế tiếp?

Giờ đã có đủ 2 con phím cơ cho 2 cái máy: iKBC CD87 – Cherry Brown dùng cho máy bàn PC và Anne Pro 2 White – Gateron Red dùng cho Macbook Pro. Dừng lại được rồi chăng?

KHÔNG!!! Cơn nghiện “ma tuy nhựa” dường như càng thấm sâu vào máu sau mỗi ngày.

Nhất là khi trong thời gian nghiên cứu mua Anne Pro 2, mình đã phát hiện ra vô số các dòng phím cao cấp khác: Vermilo Miya Pro, Leopold FC660M, Vortex Pok3r,… Mình cảm thấy rất hài lòng với layout 60% nên giờ chỉ quan tâm đến các em 60% – 65%.

Ngoài ra, vẫn còn khá nhiều các loại switch khác mình muốn trải nghiệm: Cherry Black, Kailh Box Red, Kailh Box Black,…

Mình đang phân vân giữa Vermilo Miya Pro hoặc Leopold FC660M, bản Cherry Black cho con phím tiếp theo. Hiện tại vẫn đang nghiên cứu và cân nhắc túi tiền, chưa dám xúc 🙁

Cập nhật 08/2021: Mình đã tiễn Anne Pro II lên đường và hốt Leopold FC660M bản Sweden Cherry MX Black Switch về thay thế từ hồi tháng 7/2020. Hồi đầu năm nay, mình sắm Keydous NJ-68 Kailh Box Red để luân phiên sử dụng.

Leopold FC660M được độ keycap MT3 /dev/tty và Keydous NJ-68 với keycap stock.

Lạc giữa thế giới phím cơ

Càng tìm hiểu càng cảm thấy hoang mang vì thế giới phím cơ quá bao la và rộng lớn. Đúng là thú ăn chơi nào cũng lắm công phu.

Gia nhập thế giới bàn phím cơ, mình phải phổ cập nhiều kiến thức mới: layout, switch, keycap,…Càng nghiên cứu càng cảm thấy choáng ngợp. Nhưng đi kèm với đó là sự tò mò vô hạn:

  • Mình hợp với Switch nào?
  • Nên mua phím của hãng nào tốt nhất?
  • Keycap SA, DSA, Cherry, OEM là sao? Khác nhau ra sao?
  • Mình nên chọn layout 60%, 65%, TKL, 80% hay Full-size?

Đây là chỉ mới là bề nổi: phím cơ stock (do hãng sản xuất). Còn đụng đến phím custom (tự lắp ráp) còn cả một thế giới mới.

Rãnh rỗi mình sẽ ngồi chia sẻ thêm mớ kiến thức thu thập được từ Reddit, Wikipedia, VoZ,… để chiêu dụ các con nghiện “ma túy nhựa” mới.

Xin được tạm dừng tại đây.

P/S: Bài viết được thực hiện nhằm trải nghiệm Gateron Switch trên bàn phím Anne Pro 2. Cảm thấy thích Red rồi đó nha!

Nếu bạn cần hỗ trợ kỹ thuật miễn phí, vui lòng gửi câu hỏi trực tiếp ở phần Thảo luận bên dưới, mình sẽ trả lời trong thời gian sớm nhất.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Bạn cần hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu?

Khám phá các gói dịch vụ giúp bạn tối ưu công việc và vận hành hệ thống hiệu quả hơn. Từ chăm sóc website đến hỗ trợ kỹ thuật, mọi thứ đều linh hoạt và phù hợp với nhu cầu của bạn.