Công tắc cơ học (mechanical switch) là linh hồn của bàn phím cơ. Nếu bạn quan tâm đến bàn phím cơ, bạn cần phải tìm hiểu về switch để có sự lựa chọn bàn phím phù hợp. Có rất nhiều thương hiệu sản xuất switch cho bàn phím cơ: Cherry MX, Gateron, Kailh, ZealPC, Razer, Logitech…
Bài viết này sẽ giúp bạn nắm rõ hơn về switch cơ học để có sự lựa chọn bàn phím cơ phù hợp với nhu cầu sử dụng
Mục Lục
Mechanical switch là gì?
Như đã chia sẻ ở bài viết trước “Bàn phím cơ là gì?“, mechanical switch là công tắc cơ học nằm bên dưới mỗi phím bấm. Switch sẽ truyền tín hiệu từ ngón tay đến bo mạch, thông báo cho máy tính phím bấm đã được kích hoạt thành công.
Switch là trái tim và linh hồn của bàn phím cơ. Switch sẽ quyết định đến cảm giác gõ và âm thanh của bàn phím.
Trên thị trường hiện tại có 3 loại switch phổ biến nhất, theo thứ tự 1-2-3 như sau
1. Cherry MX và các phiên bản clone
Cherry MX là dfong switch phổ biến nhất trong thế giới bàn phím cơ hiện nay. Có thể dễ dàng nhận biết Cherry MX bởi thiết kế đỉnh stem (phần để gắn keycap) hình dấu cộng.
Phiên bản clone là các hãng khác sản xuất switch dựa theo thiết kế của dòng switch MX, ví dụ: Gateron, Kailh, Razer,…
2. Topre
Topre switch hay còn được gọi là Capacitive non-contact switch (công tắc điện dung không tiếp xúc) do Topre Corporation, Nhật Bản sản xuất. Topre được yêu thích nhờ cảm giác gõ phím nhẹ nhàng, tự nhiên.
Đỉnh stem của Topre switch có dạng hình tròn đặc trưng. Tuy nhiên gần đây các hãng đã tùy biến thêm dấu cộng ở giữa để giúp các bàn phím Topre có thể gắn được các keycap của switch Cherry MX.
Các hãng sản xuất: Realforce, HHKB, Topre, Cooler Master
3. Matias Alps
Switch Matias Alps do Matias, một công ty của Canada sản xuất. Có thể nhận biết qua thiết kế đỉnh stem hình chữ nhật. Switch này đã từng dợc sử dụng phổ biến vào những năm 1980 trong các bàn phím của Apple, Dell, Acer nhưng hiện nay không còn phổ biến nữa.
Hãng sản xuất: KB Paradise, Matias
Bài viết này sẽ chỉ tập trung giới thiệu về dòng switch Cherry MX. Hai loại Topre, Matias Alps sẽ được chia sẻ trong những bài viết sau (khi mình nghiên cứu tới nó)
Cấu tạo của switch MX
Switch Cherry MX và đồng bọn có cấu tạo gồm 5 phần như sau
- Top Housing (Thân trên) là một thành phần bằng nhựa được đúc bằng CAD với độ chính xác cực cao sai sót chưa đến 0.01mm. Thân trên kết hợp với thân dưới (housing base) tạo thành bộ khung cho toàn bộ switch, định hướng cho nắp trượt khi nhấn xuống.
- Switching Slide / Stem (Khối trượt) bằng nhựa được đúc CAD chính xác, đóng vai trò kết nối giữa nắp phím (key cap) ở trên và lò xo ở dưới. Đây cũng là bộ phận quyêt định đến độ phản hồi (tactile) và âm thanh (clicky) của toàn bộ switch.
- Crosspoint contact (Chân tiếp xúc chéo) là trái tim của mọi switch Cherry MX. Nó được làm bằng kim loại có thiết kế như 1 chiếc kẹp 2 lưỡi, mỗi lưỡi có 1 chân kết nối với bảng mạch PCB bên dưới. Khi phím được nhấn, phần stem trượt di chuyển sẽ khiến 2 lưỡi này tiếp xúc với nhau, mạch được đóng ghi nhận phím bấm thành công.
- Coil Spring (Lò xo đàn hồi) là một chiếc lò tạo nên sức nặng lên ngón tay khi gõ phím va giúp trả lại switch về vị trí cũ khi nhà phí. Nó được chế tạo chính xác tạo nên đặc tính riêng của từng loại switch.
- Housing Base (Thân dưới)là thành phần bao bọc còn lại của switch, được làm bằng nhựa và sợi thủy tinh. Phần mặt trong của thân dưới có ngoàm để kết nối với thân trên (Top Housing). Phần mặt ngoài là đế của switch được gắn vào mạch phím.
Khi phím được bấm, stem được nhận xuống tạo áp lực lên lò xo, kích hoạt tiếp xúc của phần chân tiếp xúc (actuation point) và được máy tính ghi nhận.
Phân loại switch Cherry MX
Các dòng swich Cherry MX được chia thành 3 loại chính: Clicky, Tactile, Brown. Hiểu được ý nghĩa của từng loại sẽ giúp bạn đỡ bối rối hơn khi xác định bàn phím phù hợp:
1. Clicky & Tactile (tiếng click và xúc giác)
Đây là dòng switch đặc trưng nhất của bàn phím cơ, mang đến phản hồi xúc giác (tactile) và âm thanh lách cách (click) mỗi khi nhấn phím. Switch Clicky luôn đi kèm với Tactile.
Ví dụ: MX Cherry Blue, Gateron Blue, Kailh Box White,…
2. Tactile (xúc giác)
Tạo ra phản hồi lên ngón tay nhờ 1 khấc hơi nặng tay ở gần Actuation point (điểm kích hoạt – vị trí ghi nhận phím đã ấn thành công). Nhờ vậy bạn sẽ cảm nhận được ngay phím đã được nhấn ăn hay chưa.
Ví dụ: MX Cherry Brown, MX Cherry Clear
3. Linear (tuyến tính)
Dòng switch này không có khấc phản hồi như Tactile và cũng không có âm thanh như Clicky. Khi nhấn phím, phần stem sẽ chuyển động tuyến tính từ trên xuống dưới, mang lại trải nghiệm gõ phím mượt mà.
Ví dụ: MX Cherry Red, Gateron Black, Kailh Box Black,…
Để giúp khách hàng dễ lựa chọn, Cherry đã sử dụng cách đặt tên switch dựa vào màu sắc của phần khối trượt – stem. Có 4 màu sắc đã trở thành tiêu chuẩn trên dòng switch Cherry MX và cũng được các hãng clone áp dụng:
- Blue (Xanh Dương) – Clicky & Tactile
- Brown (Nâu) – Tactile
- Red (Đỏ) – Linear
- Black (Đen) – Linear
Nắm được ý nghĩa của màu sắc sẽ giúp bạn hiểu được ngay loại switch đang dược trao đổi trên các diễn đàn: “Tui xài Pok3r Red“, “Cần mua bàn phím Red hoặc Black” hay “Chán Blue, cần kiếm Brown đổi gió“.
Ngoài ra mỗi hãng còn có nhiều loại switch màu khác, ví dụ:
- Cherry MX Green – Clicky
- Gateron Yellow – Linear
- Kailh Box Copper – Tactile
Các thông số của switch
Dưới đây là những thuật ngữ thường gặp khi nghiên cứu về thông số của switch, dành cho ai quan tâm chuyên sâu
- Actuation Point / Operating Position (Điểm kích hoạt): Khi stem được ấn xuống, đây là vị trí tiếp xúc của lưỡi kim loại, xác nhận phím bấm đã được kích hoạt. Trên bàn phím cao su thường, actuation là điểm cuối của hành trình (bottom out), còn trên bàn phím cơ, acutation thường nằm ở giữa hành trình của stem.
- Actuation Force (lực kích hoạt): lực tác động cần thiết để chạm đến điểm kích hoạt của switch.
- Bottom-out (lút cán): là điểm cuối cùng stem khi được nhấn và không thêm nhấn thêm được nữa. Tiếng ồn của bàn phím cơ thường do thói quen bấm bottom-out tạo ra âm thanh từ keycap.
- Friction (ma sát): ma sát tạo ra bởi sự di chuyển của khối trượt lên các bề mặt khác nhau bên trong switch, ảnh hưởng đến độ mượt của siwtch.
- Tactile Point (điểm phản hồi): vị trí khấc phản hồi trên switch mà người dùng cảm thể cảm nhận được khi nhấn phím
- Reset Point (điểm kết thúc): vị trí của stem khi trở về vị trí cũ, xác nhận switch đã trở lại trạng thái ban đầu (chưa kích hoạt)
- Total Force: lực ần thiết để bấm hết hành trình switch (bottom out)
- Travel: hành trình di chuyển của khối trượt (slider /stem) bên trong switch
Switch nào tốt nhất? Gõ sướng tay nhất?
Không tồn tại khái niệm tốt nhất, sướng nhất trong thế giới bàn phím cơ. Tất cả đều tùy thuộc vào cá nhân mỗi người. Không có switch nào là tốt nhất, chỉ có switch nào phù hợp nhất với bạn thôi. Chỉ có trải nghiệm mới giúp bạn tìm ra được loại switch tối ưu nhất cho nhu cầu sử dụng của bản thân.
Sự lựa chọn sẽ tùy thuộc vào các yếu tố sau:
- Độ ồn cho phép: bạn có thích tiếng kêu lóc cóc (clicky) từ bàn phím không? Không gian làm việc của bạn có cho phép tiếng ồn không?
- Phản hồi xúc giác (tactile): Bạn có thích cảm nhận nấc phản hồi khi gõ phím? Hay bạn thích phím bấm mượt mà trơn tuột (linear)?
- Thói quen gõ phím: Gõ nhẹ lướt trên phím hay gõ hết phím (bottom out)?
- Mục đích sử dụng: chơi game hay gõ chữ (viết blog, lập trình,…)?
Dưới đây là một số lời khuyên
- Nếu bạn sử dụng để gõ văn bản / lập trình, Clicky / Tactile Switch sẽ cho trải nghiệm tối ưu hơn.
- Nếu bạn mua về để chơi game, hãy chọn switch Linear.
- Nếu bạn thích tiếng click hoặc không gian làm việc cho phép , Clicky switch thẳng tiến.
Trên thực tế, chọn switch nào là tùy vào sở thích và cảm giác của bạn. Có người thích tactile trên Brown switch hơn, có người lại sự mượt mà của Red. Mình viết nguyên bài này bằng Anne Pro II – Red switch và vẫn cảm thấy rất tuyệt, đâu cần đến Brown hay Blue.
Tóm lại, hãy trải nghiệm!
Chúc bạn tìm được bàn phím cơ phù hợp với mình!
Tham khảo: Drop, CherryMX, Input.Club
[convertkit form=7087807]
Lưu ý: Nếu bạn cần hỗ trợ kỹ thuật, vui lòng gửi câu hỏi trực tiếp ở phần Thảo luận bên dưới, mình sẽ trả lời sớm. Đừng vào hỏi trong fanpage Yêu Chạy Bộ, sẽ không có phản hồi đâu!